QC Shop

Về hai khuynh hướng chống đối và ủng hộ chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây

Nguyễn Hào Hải(*)

Nguồn: Tạp chí Triết học, số 12 (175), tháng 12 - 2005

Trong quá trình hình thành và phát triển, chủ nghĩa cá nhân vấp phải sự chống đối của những người muốn bảo vệ chủ nghĩa tổng thể, của những nhà nhân cách chủ nghĩa và những nhà lý luận, triết học của Nhà thờ. Cho đến nay, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân không vì thế mà bị loại ra khỏi đời sống xã hội của con người. Nó vẫn tiếp tục phát triển với những nội dung tích cực, vẫn được nhiều nhà lý luận, trong đó có một số người trước đây từng phê phán mạnh mẽ, tìm cách ủng hộ và bảo vệ. Sau nhiều thăng trầm, chủ nghĩa cá nhân lại bước vào giai đoạn phát triển mới và dường như, trong hiện tại cũng như tương lai, vấn đề cá nhân sẽ trở thành vấn đề trọng tâm cần được chú ý của mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chủ nghĩa cá nhân trong quá trình hình thành, phát triển đã trải qua một chặng đường đầy bão táp, chông gai trước sự phê phán, chống đối mãnh liệt, gắt gao của những trường phái, thế lực chủ trương bảo vệ chủ nghĩa tổng thể, chủ nghĩa cộng đồng, chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa nhà nước..., và chỉ từ giữa thế kỷ XVII trở đi, nó mới có được một vị thế, làm thành một đối trọng với chủ nghĩa tổng thể.

Công lao đem lại cho chủ nghĩa cá nhân bước tiến quan trọng và vị thế như vậy, trước hết thuộc về những nhà tư tưởng, chính trị, triết học tài ba lỗi lạc và đầy dũng khí, tâm huyết, như Đêcáctơ, Lépnít, Ôvéctông, Hốpxơ, Spinôda, Lốccơ, Smít, Rútxô, I.Cantơ, Côngxtăng,  Ghidô,  G.S.Milơ, Tốccơvin,  H.Xpenxơ, Pruđông, Đuyếckhem, Mácstinê,  Nítsơ, Pốppơ...

Những bước phát triển của chủ nghĩa cá nhân đã mang lại bước tiến quan trọng đối với lịch sử loài người nói chung và cá nhân con người nói riêng. Cá nhân con người ngày càng được khẳng định và quyền tự do của cá nhân đã trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất trong quá trình xây dựng phát triển xã hội con người. Trong quá trình hình thành và phát triển, chủ nghĩa cá nhân, nhất là những mặt tiêu cực của nó (thể hiện ở những quan điểm của chủ nghĩa cá nhân cực đoan, chủ nghĩa cá nhân quá khích, chủ nghĩa cá nhân vô chính phủ...), đã vấp phải những sự chống trả, sự phê phán mãnh liệt từ phía những người muốn bảo vệ chủ nghĩa tổng thể hay chủ toàn luận (holisme) với những biểu hiện khác nhau ở chủ nghĩa cộng đồng, chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa nhà nước, chủ nghĩa hữu cơ, chủ nghĩa liên đới, sinh thái học (thời hiện đại)...

Ngay từ thế kỷ XVIII, thời kỳ mà chủ nghĩa cá nhân đã đạt được những thành công rực rỡ, được đông đảo tầng lớp dân chúng trong xã hội phương Tây tán thành, ủng hộ, ngợi ca, cũng đã xuất hiện những sự phản ứng dữ dội của các lực lượng, thế lực, trường phái hoài cổ muốn duy trì cơ cấu của xã hội truyền thống mà ở đó, chủ nghĩa cộng đồng là tối thượng, còn cá nhân con người phải tuân thủ những tôn ti trật tự của cộng đồng, của xã hội, của nhà nước, của các luật lệ tôn giáo,... không thể sống tự do theo ý muốn riêng, độc lập của mình.

Một trong những nhà lý luận có sự phản ứng sớm nhất chống lại sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân là Giôdép đơ Mét - đại diện tiêu biểu cho những nhà tư tưởng hoài cổ. Trong tác phẩm "Các nguồn gốc chủ quyền" (Des Origines de la souveraineté) viết năm 1796, ông đã phê phán rất mạnh những tư tưởng của chủ nghĩa cá nhân, đồng thời ngợi ca thời đại phong kiến vàng son thời trung cổ mà theo ông, ở đó con người đã sống hài hoà trong những tôn ti, trật tự của cộng đồng, nhà nước. Ông cho rằng, "sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân là một tai hoạ; nó làm tan rã xã hội..., và ở đâu lẽ phải cá nhân thống trị thì ở đấy không thể có cái gì to lớn. Bởi cái vĩ đại đều xây dựng trên một tín ngưỡng của chung cộng đồng"(1).

Quan điểm không đề cao cái cá nhân trong đời sống cộng đồng, đời sống xã hội cũng được Phíchtơ - một nhà chính trị cùng thời với Giôdép đơ Mét rất ủng hộ. Khi bàn về khái niệm con người, ông cho rằng, "khái niệm con người không phải là khái niệm một cá nhân mà là một chủng loại"(2).

Nhà triết học thực chứng Ô.Côngtơ (Auguste Comte) - người đưa ra thuật ngữ "xã hội học" - cũng cho rằng, "con người (cá nhân – N.H.H.) thực sự không tồn tại, chỉ có nhân loại tồn tại, bởi toàn bộ sự phát triển của chúng ta là do xã hội mà có"(3). Ô.Côngtơ còn lý giải xã hội như "một sinh vật lớn'' có các bộ phận gắn liền nhau bởi một "liên kết hữu cơ" (quan điểm của thuyết hữu cơ), cá nhân con người không tồn tại độc lập, riêng rẽ và không có vai trò gì. Ông cũng cho rằng, đề cao vai trò của cá nhân chỉ tạo ra nguy cơ "giải thể xã hội", “Thuyết hữu cơ về mặt xã hội" đã được nhiều người chống chủ nghĩa cá nhân ủng hộ. Balăngsơ (Ballanche) - một nhà tư tưởng theo chủ nghĩa hữu cơ - cho rằng, ''con người không phải là một cá nhân cô độc và tách rời, mà là một tồn tại tập thể, không thể nào tự xem mình là đủ, vì tính cá nhân đối với anh ta không thuộc về thế giới này, anh ta phải từ bỏ chuyện thoát ly và phải nhập vào cái tổng thể của xã hội"(4). Ủng hộ thuyết hữu cơ, Giôdép đơ Mét cũng cho rằng, "vũ trụ chính là một xã hội lớn, trong đó mỗi tồn tại hợp nhất với tồn tại khác hoạt động như một cơ thể sống. Con người một mình chỉ là một mảnh của tồn tại. Cái tồn tại thực sự là tồn tại tập thể"(5).

Chống lại chủ nghĩa cá nhân, cụ thể là sự phủ nhận thực tại của cá nhân, quyền tự do, tự chủ của cá nhân trong đời sống xã hội, nhiều nhà tư tưởng đã lấy cơ sở đạo đức để phê phán. Xanhximông cho rằng, việc đề cao cá nhân, đặc biệt là những lợi ích của cá nhân, kết cục sẽ dẫn đến ngõ cụt, sẽ thủ tiêu nền tảng đạo lý của xã hội. Và, khi chủ nghĩa cá nhân càng phát triển mạnh mẽ ở mọi góc độ, mọi khía cạnh ở phương Tây thì những nhà đạo đức học theo tư tưởng của chủ nghĩa tổng thể (chủ toàn luận) càng có những sự phản ứng gay gắt hơn. Điển hình là sự phê phán của nhà triết học Pháp, đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa nhân cách - Muniê. Ông cho rằng, “chủ nghĩa cá nhân là một sự suy thoái của cá nhân trước khi là một sự cô lập cá nhân. Nó đã làm cô lập hoá những con người đến mức trở thành hèn hạ" và "chủ nghĩa cá nhân tư sản là kẻ tôi tớ phải chịu trách nhiệm vì sự thống trị của đồng tiền, của những sức mạnh vô danh phi cá nhân"(6). Muniê và những người theo chủ nghĩa nhân cách luôn gắn chủ nghĩa cá nhân với diện mạo của người tư sản ích kỷ, hưởng lạc, xấu xa... và đồng nghĩa với chủ nghĩa tư bản tự do. Theo những nhà nhân cách chủ nghĩa, những người chạy theo chủ nghĩa cá nhân là những người đã vứt bỏ truyền thống, tôn ti trật tự của xã hội, vứt bỏ nhân cách, vứt bỏ những tư tưởng của chủ nghĩa cộng đồng cao quý, thiêng liêng, phản lại đạo lý - đó chính là một siêu hình học của sự cô đơn và cần phải được phê phán một cách kịch liệt.

Chống lại sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân còn có một lực lượng hùng hậu nữa của giới lý luận phương Tây - đó là những nhà lý luận, triết học của Nhà thờ. Những người lãnh đạo, cũng như giới lý luận Nhà thờ thấy rõ nguy cơ những giáo lý, luật pháp của Nhà thờ có thể bị xâm hại nặng nề khi chủ nghĩa cá nhân phát triển mạnh trong xã hội. Chính vì vậy, thế lực này rất e ngại, nghi kỵ đối với những tiến bộ của quyền tự do, độc lập của cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân cũng được họ gán cho nhiều tội lỗi, như làm tan rã, xuống cấp xã hội, phá vỡ tôn ti trật tự gia đình (truyền thống gia trưởng), chống lại những gía trị tinh thần, đạo đức, coi thường đức tin, xem nhẹ chân lý của thánh thần. Chính vì thế mà nhiều vị linh mục đã cho rằng, một nước mà trong đó, chủ nghĩa cá nhân thống trị sẽ không còn những điều kiện bình thường của một xã hội. Đại diện tiêu biểu nhất cho phái lý luận Nhà thờ chống lại chủ nghĩa cá nhân phải kể đến những nhà triết học của trường phái Tômát mới. F.Bruynéttirơ - một trong những môn đệ của trường phái này cho rằng, ''lịch sử hiện đại xuất phát từ thời Phục hưng đã phát triển chủ nghĩa cá nhân, nhưng chủ nghĩa cá nhân thực sự là sự phá sản của cá tính con người, huỷ diệt nhân cách. Chủ nghĩa cá nhân đã làm cho cá tính con người trở thành trống rỗng"(7). Ông mong muốn mọi sự tha hoá, xuống cấp của đạo đức tinh thần của con người hiện đại phải được khắc phục bằng cách quay về với Nhà thờ, giảm thiểu những ham muốn cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân đang huỷ diệt dần những nền tảng của đạo đức, của tôn giáo linh thiêng.

Nhà thần học Thiên Chúa giáo Tâya đơ Sácđanh cũng đã dành nhiều công sức cho việc phê phán chủ nghĩa cá nhân. Ông khuyên con người nên hy sinh, từ bỏ những ham muốn ích kỷ, riêng tư của mình để vươn tới những ước mơ mà Chúa đã hướng cho con người. Rằng, con người hãy sống với những điều thiện cao quý, thiêng liêng, khác xa với những điều nhỏ bé, tầm thường, bởi chủ nghĩa cá nhân chỉ dẫn người ta đến với những cái nhỏ bé, tầm thường.

Có thể nói, cho tới nay, việc chống lại chủ nghĩa cá nhân thực sự vẫn là một vấn đề chưa kết thúc. Điều đó được thể hiện ở khá nhiều khuynh hướng, trào lưu tư tưởng, chính trị, triết học khác nhau, với những khía cạnh, mức độ, tính chất phê phán khác nhau tuỳ theo mỗi chế độ xã hội, chế độ chính trị cũng như mỗi khu vực, mỗi nền văn hoá.

Tuy nhiên, cũng phải nói ngay rằng, chủ nghĩa cá nhân không vì thế mà bị loại ra khỏi đời sống xã hội của con người; trái lại, nó vẫn tiếp tục được phát triển với những nội dung tích cực và vẫn được nhiều người ủng hộ, bảo vệ.

Nhận xét về sự phát triển những tư tưởng của chủ nghĩa cá nhân trong đời sống xã hội thế giới, nhà xã hội học, một chuyên gia hàng đầu về chủ nghĩa cá nhân - Tốccơvin đã cho rằng, chủ nghĩa cá nhân dân chủ là sản phẩm của cuộc cách mạng dân chủ thế kỷ XVIII, nó có xu hướng trở thành lối sống chủ đạo của mọi tầng lớp dân chúng trong thời hiện đại, chứ không chỉ đóng khung trong tầng lớp trí thức, tầng lớp tiểu tư sản, tư sản. Rằng, "quá trình cá nhân hoá (chống lại những tư tưởng của chủ nghĩa tổng thể) xuất phát từ những vận động dưới đáy sâu thẳm của xã hội và không thể cưỡng lại được"(8). Với quan niệm này, Tốccơvin khẳng định những người ủng hộ chủ nghĩa cá nhân là những người mang tư tưởng tiến bộ.

Đề cao cái cá nhân, Nítsơ cho rằng, chỉ có cái cá nhân mới tạo ra chính mình. Và, khi nhận xét cả nhà nước lẫn xã hội đều luôn có xu hướng cản trở sự cá nhân hoá để tạo nên ''con người cộng đồng", ông quả quyết rằng, "con người không thể hiện được cá nhân của mình thì chỉ là một con vật trong dân (aminal de Troupeau)"; rằng, trong xã hội “những kẻ có sự say mê và sức mạnh để trở thành những cá nhân thật là ít ỏi!"(9). Chính vì vậy, “Thuyết siêu nhân" của ông là nhằm cổ vũ cho việc con người sống trong xã hội phải khẳng định được cái cá nhân, sự khoẻ khoắn và sức mạnh của mình.

Trước Nítsơ, ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh là Kiếccơga đã mở đầu cuộc nổi loạn của chủ nghĩa cá nhân chống lại tình trạng hèn kém của kiếp sống theo bầy đàn, theo "đoàn người" (médieorite' gregaire) không cá tính của đám đông đoàn thể, dân chúng. Tỏ rõ thái độ khinh bỉ, ghê tởm đối với tình trạng đó, ông cho rằng, chính những nơi tụ tập của "các đám đông" ấy là nơi những kẻ hèn nhát lẩn trốn thân phận cá nhân của mình.

Phê phán lại những phong trào sôi động, náo nhiệt chống lại chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây trong những thời kỳ khác nhau ở các thế kỷ XIX và XX, E.Phrôm nhà tâm lý và phân tâm học nổi tiếng người Đức đã cho rằng, ''những phong trào khác nhau chống lại chủ nghĩa cá nhân ở châu Âu đã dẫn đến sự xuất hiện một cách ồ ạt các loại chủ nghĩa cực quyền quốc xã và phát xít muốn dùng bạo lực bắt cá nhân phải lệ thuộc vào "cái tổng thể" của nhân dân, chủng tộc và nhà nước dân tộc, coi đám đông dân chúng như đàn súc vật"(10). Ở Pháp, vào thời kỳ 1830 -1850 - giai đoạn thứ hai của cách mạng Pháp mà sau này người ta gọi là "Thời kỳ máy chém và khủng bố", những người cách mạng đã nhân danh "ý muốn chung" để đàn áp cá nhân, hạ bệ những điều tốt đẹp cấp cho cá nhân ghi trong "Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền" của các thể chế dân chủ thời kỳ đầu ở Pháp. Rồi cũng ở Pháp, vào thời kỳ Thống chế Pêtanh (Pétain) trị vì, để thực hiện "Cuộc cách mạng dân tộc" của mình, nhà độc tài này đã đi theo con đường phát xít, chủ trương chấm dứt quyền tự do cá nhân do thời Ánh sáng và thời cách mạng nhân quyền để lại và say sưa phục hồi lại trật tự tôn giáo, nhà nước cổ xưa để xây dựng một chính quyền độc tài chuyên chế.

Các nhà lý luận phương Tây cũng nói về một tình trạng như vậy, (tình trạng mất dân chủ, thiếu nhân quyền) do chủ nghĩa cực quyền mang lại. Họ cho rằng, người ta đã lấy những khẩu hiệu vì “tập thể", "tiến bộ"... để chống lại tự do cá nhân và quyền con người. Rằng, người ta đã đẩy lên đến đỉnh điểm thế đối nghịch không đội trời chung giữa chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân, giữa công hữu và tư hữu. Và, theo những nhà lý luận này, ''chủ nghĩa nhà nước", "chủ nghĩa tập thể'' thường mang nhiều nguy cơ dẫn đến chủ nghĩa cực quyền và những tình trạng mất dân chủ, nhân quyền của cá nhân.

Trong một tác phẩm nổi tiếng "Xã hội mở và những kẻ thù của nó”, nhà triết học thực chứng K.Pốppơ (K.Popper) đã chỉ ra sai lầm của  những người chống lại chủ nghĩa cá nhân khi người ta gắn liền nó với những tính tích kỷ, vụ lợi và những điều xấu xa khác. Ông cho rằng, “sự lẫn lộn chủ nghĩa cá nhân với tính ích kỷ đã khiến người ta kết án nó nhân danh những tình cảm nhân đạo, cao thượng của chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa nhà nước. Thực ra, khi tấn công tính ích kỷ, người ta đã nhằm vào các quyền của cá nhân"(11). Theo K.Pốppơ, lịch sử con người hiện diện rõ hai khuynh hướng mà ông gọi là "xã hội mở" tượng trưng cho những ý muốn xây dựng xã hội theo hướng ngày càng mở rộng quyền tự do dân chủ cho mỗi cá nhân để phát triển những điều tốt đẹp, những năng lực sáng tạo của họ - đó là cơ sở căn bản, tích cực nhất để phát triển xã hội tiến bộ; và "xã hội đóng kín" (tức là kẻ thù của "xã hội mở") biểu trưng cho những tư tưởng hoài cổ về trật tự bộ lạc, chủ nghĩa tổng thể, chủ nghĩa nhà nước, chủ nghĩa cộng đồng,... luôn bị quyến rũ bởi chế độ cực quyền.

Nhiều nhà lý luận phương Tây đã viết những tiểu luận, công trình khác nhau để trình bày quan điểm, tư tưởng chung là không bao giờ có nhà nước thực sự tự do, sáng suốt, nếu như nhà nước còn chưa thừa nhận cá nhân, chưa đối xử với cá nhân một cách thích đáng, chưa coi cá nhân là nhân tố, động lực quan trọng nhất để phát triển xã hội. Và, họ cũng đã đưa ra nhiều con số, những thực trạng sinh động, thời sự để tố cáo rằng, nhà nước nào cũng vậy, bao giờ cũng sản sinh ra nhiều người vô trách nhiệm, những kẻ quan liêu, tham nhũng, cực quyền, nhân danh nhà nước, nhân danh dân tộc, nhân danh "tiếng nói chung" để hạn chế quyền lợi của cá nhân, của công dân.

Nhiều nhà lý luận, tư tưởng, triết học phương Tây vẫn phê phán gay gắt,  mạnh mẽ chủ nghĩa cá nhân, nhưng sau đó đã tỏ rõ thái độ ủng hộ chủ nghĩa cá nhân và nhận ra rằng, chủ nghĩa cá nhân cũng có những nội dung tích cực, tiến bộ phải được thừa nhận, như: Pruđông, G.S.Milơ, H.Xpenxơ, Đuyếckhem, B.Lêvi, A.Glúchsman,... và có lẽ cả C.Mác. Nhà kinh tế học Pruđông vốn là một người phê phán không khoan nhượng chủ nghĩa cá nhân, vấn đề tư hữu, nhưng sau đó, cũng đã thừa nhận tính vô nghĩa của một số học thuyết về chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa nhà nước những năm 1840-1850, đồng thời đánh giá một cách tích cực quyền tư hữu của cá nhân và xem nó như là điều kiện cần thiết để phát triển sản xuất, phát triển xã hội một cách có hiệu quả. Còn Đuyếckhem - nhà xã hội học nổi tiếng phương Tây, lúc trước cũng có thái độ coi thường và thậm chí khinh bỉ chủ nghĩa cá nhân, luôn ca ngợi chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội, nhưng sau đó, đã có thái độ nhìn nhận lại. Ông cho rằng, "dù thế nào đi nữa, chủ nghĩa cá nhân cũng vẫn là mục tiêu tập thể cuối cùng và duy nhất của chúng ta, nó không làm cho chúng ta phân tán ra, mà là trung tâm duy nhất có thể tập hợp mọi người và thể hiện nhiều nội dung tích cực..., rằng chủ nghĩa cá nhân không phải là tính ích kỷ mà là lòng thương cảm và thiện cảm của con người và chính là tính người. Chủ nghĩa xã hội là một nhánh của trào lưu này"(12).

Trải qua nhiều bước thăng trầm, chủ nghĩa cá nhân, bắt đầu từ những năm 80 trở lại đây, đã khởi sắc mạnh mẽ và dường như đã lấy lại vị thế từng bị lung lay, nghiêng ngả. Người ta bắt đầu nói đến giai đoạn mới của chủ nghĩa cá nhân và dường như nhận thấy rằng, hiện tại và trong tương lai, vấn đề cá nhân đang và sẽ là vấn đề trọng tâm, cần được quan tâm, chú ý nhất của mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Sự phát triển nhiều mặt của xã hội hiện đại đã tác động nhiều đến việc khẳng định sự hiện diện của cá nhân, coi cá nhân là động lực, là nguồn lực quan trọng nhất để xây dựng xã hội, phát triển xã hội.

Trong đời sống hiện nay ở mọi nơi, cá nhân ngày càng khẳng định ý chí tự chủ để quản lý cuộc sống, xây dựng xã hội. Tính năng động của kinh tế thị trường tạo nên những điều kiện khách quan có lợi cho những hình thức phát triển tự do cá nhân, năng lực cá nhân. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, cách mạng tin học... cũng đã góp phần đắc lực trong việc tạo ra nhiều dịch vụ phục vụ sự tự do của cá nhân, đời sống riêng tư độc đáo của mỗi cá nhân, làm cho cuộc sống cá nhân con người ngày càng phong phú. Sự tăng trưởng mạnh mẽ về mọi mặt, nhất là về đời sống vật chất và tinh thần của thời hiện đại chủ yếu phục vụ cho đời sống của các cá nhân. Nói cách khác, sự tiêu thụ của cải vật chất, tinh thần của thời hiện đại ngày càng mang tính chất cá nhân hoá cao độ (nhà cửa, ô tô, các loại máy nghe nhìn, máy quay phim, máy chụp ảnh, điện thoại di động, các loại thiết bị vệ sinh, thiết bị nhà ở, v.v.). Một thực trạng mới của đời sống xã hội thời hiện đại ở nhiều xã hội, đặc biệt là các nước phát triển - đó là nhiều người có vô khối thời gian nhàn rỗi và đương nhiên, họ dành cho những cái riêng tư của mình nhiều hơn, nhu cầu về cái cá nhân, riêng tư cũng phong phú và ngày càng nhiều hơn. Tất cả những điều đó là những nội dung, những tiền đề để cho người ta suy nghĩ về một chủ nghĩa cá nhân mới của thời hiện đại. Chủ nghĩa cá nhân này phải là như thế nào, cần phải như thế nào thì các nhà nghiên cứu, lý luận, những nhà tư tưởng, những nhà triết học phải bàn. Chỉ biết rằng, đó vẫn là một vấn đề sôi động, thời sự nhất trong đời sống.


(*) Nghiên cứu viên chính, Viện Triết học, Viện Khoa học  Xã hội Việt Nam.

(1) Joseph de Maistre. Des originess de la Souveraineté. Ed. Gallimard, Paris, 1980, p.34-

(2) Fichter. Les fondements du droit nature (Những nền tảng của quyền tự nhiên). Ed. Seuil, Paris, 1979, p.82.

(3) Xem: A.Comte. Le dicours sur L'esfrit positif (Luận về tinh thần thực chứng). Ed. Hatier, 1983, p.96.

(4) Ballanche. Essai Sur les instituations sociales. (Tiểu luận về các thể chế xã hội). Dénoel, 1972, p.68.

(5) Joseph de Maistre.  De la socite' première et de ses lois (Bàn về xã hội đầu tiên). Ed.Frammarion, 1980, p. 41.

(6) Mounier. Manifesste au Service du personalissme  (Tuyên ngôn phục vụ chủ nghĩa nhân cách). Ed. Seuil, 1974, p.36.

(7) F.Brunetiere. Un nouveaux Moyen. Ed Gallimard, 1970, p.51 .

(8) Tocqueville. Dela démocratie en Amérique (Nền dân chủ ở Mỹ). Flamarion, Paris, 1981, p.87.

(9) Nietzsche. L' oeuvres posthumes (Tác phẩm di cảo). Ed. Gallimard, 1970, p.72.

(10)  E.Fromm. La peur de la liberte (Nỗi sợ hãi tự do). Ed. Stock, 1981, p.21.

(11)  K.Popper. La société ouverte et ses ênnmies. Ed. Gallimard, 1980, p.82.

(12) Durkheim.  Revue des deux mon des (Tạp chí Hai thế giới ), số 3,  1986, p.28 (tiếng Pháp).

Đã xem: 1255
Thời gian đăng: Thứ sáu - 06/11/2015 09:19
Người đăng: Phạm Quang Duy


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Bài mới nhất